– Cần cù lao động và quý trọng lương thực:
Lúc cụ Thuận ở Lễ Định dời sang Đông Lỗ để cư trú làm ăn sinh sống, là dân ngụ cư nên bị một số người chèn ép. Cụ làm nhà ở chỗ nào, người ta cũng bảo là đất của họ. Cuối cùng cụ phải phát cây khai phá chỗ đất mà họ chê là cao không ai sử dụng đến. Từ đấy trở đi Cụ làm ăn ngày một phát triển trên khoảnh đất này nhất là khâu chăn nuôi, trồng trọt. Cụ có của ăn, của để, tậu được ruộng, mua được trâu bò. Một số thầy địa lý, đặc biệt là thầy Đồng Phẩm Nghệ An nổi tiếng cho biết: chỗ ở của cụ Thuận là đắc địa sẽ phát phú, phát quý. Nghiệm lại từ đó về sau rất đúng.
Một thời gian sau, cụ đã có ruộng phát canh. Vào dịp tháng 10 âm lịch cụ đi gặt lúa ở Rẩy Mực thuộc địa phận Bạch Sơn. Một buổi trưa cụ ngồi nghỉ ở gốc cây đa trên đường sang Nghệ An, có một số người quê ở Sơn An, Sơn Thịnh đi mua lúa ở Nghệ An về qua, cùng vào ngồi nghỉ dưới gốc đa để ăn cơm. Cụ Thuận thấy cơm rơi vãi nhiều quá, cụ bèn nhặt lên gói vào khăn tay cẩn thận, giắt vào lưng để mang về. Số người mua thóc thấy vậy tưởng cụ đói mời cụ ăn. Cụ không ăn và bảo: đây là “ngọc thực”, người không ăn hết thì cho súc vật chớ phí của trời. Những người mua thóc bèn hỏi cụ: – cụ có biết ở xóm ta có ai bán thóc không? Cụ liền báo cho địa chỉ có người bán. Vài hôm sau, họ tìm vào, thấy nhà cửa rộng rãi đường hoàng và có thóc bán. Người chủ ấy không ai xa lạ mà chính là người nhặt cơm rơi vãi hôm nọ họ đã gặp
– Nhân hậu:
Thời bấy giờ người ta ca tụng: hiền lành như cụ Thuận. Có hai mẩu chuyện lưu truyền lại:
* Một lần có tên trộm vào vườn, cụ Thuận ra đuổi bị tên trộm vật đè lên người cụ. Sau một lát không thấy cụ vào, các con trai cụ chạy ra đánh kẻ trộm. Cụ liền nói với hắn “Bây giờ mày nằm dưới để tao cưỡi lên người mày, nếu không thì các con tao đánh mày chết”. Khi các con trai ra cụ nói “Thôi tha cho nó, các con ạ. Vì cha đã đánh hắn nhiều rồi”. Thế là tên trộm thoát nạn nhờ lòng nhân đạo của cụ.
* Một lần khác, cũng một tên trộm vào vườn cắt chè. Cụ bắt được không đánh đập gì cả. Cụ bảo: “Đã đói đi ăn trộm, cắt chè uống làm gì cho xót ruột? Thôi vô đây, cho bát gạo về nấu cho con ăn. Đừng đi ăn trộm nữa. Đã đói đi ăn trộm bị người ta bắt được, họ đánh cho càng thêm khổ.
Cụ là người nông dân cần cù, lấy nghề làm ruộng mà gây cơ nghiệp, lấy văn học để giáo dục con cháu. Đối với bà con làng xóm thì nhân hậu, đối với con cháu thì nghiêm khắc: cấm tửu sắc, cờ bạc. Cả 5 người con trai cụ đều trưởng thành và là gia đình “tứ đại đồng đường” (4 thế hệ ở chung một nhà)
Nguyễn Duy Thụ viết