Theo gia phả họ Nguyễn ở Tuần Lễ (tức Sơn Tiến ngày nay), Hương Sơn, do cử nhân tri huyện Nguyễn Duy Tân biên soạn:

“Thủy Tổ họ Nguyễn Duy là chỉ huy Triều Lê, hiệu Can Xuân, không rõ tên húy, năm sinh, năm mất. Họ ta từ Tiên Điền (dịch từ câu chữ Hán: Tiên Điền Nguyễn Tiến sĩ hầu chi tử, chi đệ). Năm Cảnh Hưng thứ 41 (Canh Tý 1780) Ngài cùng con là Văn Giao đổi tên lánh nạn ở xóm Bàu (Bàu Lân) thôn Dương Định (tức Lễ Định: Quyết Tiến, tên gọi năm 2000). Ngài làm đến chức chỉ huy (sắc bằng bị cháy hồi cuối Tây Sơn). Về sự tích, tiền thân, thế thứ ra sao rất khó xác định”.
(Lược trích phần chép tay của ngũ trưởng Nguyễn Huân)
Theo lời kể, bút tích và câu đối để lại, có hai cụ tìm về thăm hỏi bà con họ Nguyễn ở Tiên Điền, Nghi Xuan để biết gốc tích, Hai bên công nhạn thủy tổ họ Nguyễn Duy là người cùng một dòng họ Nguyễn Tiên Điên, Nghi Xuân mà ra, nhưng không nói rõ được thủy tổ họ ta tên là gì, con hoặc anh, em của cụ Nguyễn nào.

Cụ Duy Phiên là một trong những người đi gặp và liên hệ được với cụ Nguyễn Phụ (Nho Cơ) trao đổi xây dựng mối quan hệ thân tộc. Tình cảm đó được thể hiện trong nhiều bài thơ xướng họa giữa hai cụ. (Đã in trong tập thơ văn của con cháu họ nội ngoại Nguyễn Duy).

– Một trong số câu đối tại nhà thờ họ Nguyễn Duy – Sơn Tiến còn giữ lại đã ghi cầu nối giữa Tiên Điền và Dương Định:
“Tư Vũ duật lai, Dương Định chỉ huy tiên phát tích
Thiện văn vật thế, Tiên Điền tiến sĩ cựu lưu phương”
Dịch nghĩa: Từ lều lán dựng lên, nơi phát tích, hầu chỉ huy Dương Định. Vì gia thanh giữ mãi, nguồn lưu phương dòng họ Tiến sĩ Tiên Điền.

                                 (Nguyễn Phạm Kỉnh dịch)

Trong tập bút ký viết về gia phả để lại cho con cháu chi mình, ông Nguyễn Đình Khuê ghi là: Thủy tổ Can Xuân họ ta là con của cụ Nguyễn Nghiễm, em của Nguyễn Khản, anh của Nguyễn Du (vẫn chưa chỉ rõ tên thủy tổ là gì).

Ông Nguyễn Duy Tùng và nhiều người cùng lớp tuổi đã tìm đến đọc các tư liệu có liên quan đến gia phả họ Nguyễn – Tiên Điền thì: Nguyễn Nghiễm chỉ có 12 người con trai, đủ cả tên tuổi, không có người mất tích. Tập bút ký của ông Tùng để lại và được ông Lê Văn Duyệt đồng tình phỏng đoán: thủy tổ Can Xuân là Nguyễn Sĩ có hai người con mất tích lên Hương Sơn là Nguyễn Tích và Nguyễn Nhị (nghi là Văn Giao và Văn Nhã).

Tháng 12/2006 hai anh em Nguyễn Duy Bồng và Nguyễn Mộng Liêm sau một thời gian sưu tầm nghiên cứu các tài liệu đã trình bày trước họp họ (nhân ngày tảo mộ 10/2 Đinh Hợi 2007), tên thật và nguồn gốc thủy tổ họ Nguyễn Duy là Nguyễn Sỹ với lý do sau đây:

Một là: Căn cứ
– Hương tuần Nguyễn Gia thế phổ (bản chữ Hán, Lê Văn Duyệt dịch) và gia phả họ Nguyễn do ông Nguyễn Duy Tùng chủ biên năm 1988.
Kiểm tra lại bản dịch này có hai câu dịch chưa chuẩn:

1.a) Đại nhân hành binh dịch là: đời người đi lính. Và gia phả diễn ca lại viết: đi lính thay người.

Đúng ra phải dịch hai chữ hành binh là: điều hành các toán quân đúng với chức năng một võ quan.

1.b) Tiên điền Nguyễn tiến sĩ hầu chi tử, chi đệ”.

Như vậy đã dịch thiếu chữ hầu. Đúng ra phải dịch là: Ngài là em của một vị tiến sĩ, là con của một vị hầu tước.

Hai là:
– Cuốn “Nơi Nguyễn Du viết truyện Kiều”, Chu Trọng Huyến viết do Nhà xuất bản Khoa học xã hội in 1991.
– Cuốn “ Bể dâu trong dòng họ Nguyễn Du” (tài liệu từ Califoria Hoa Kỳ)
– Cuốn Nghi Xuân địa chỉ:
Các tài liệu này cho biết: Nguyễn Sỹ sinh năm 1725 người Tiên Điền, con ông Nguyễn Quỳnh (Nhuận trạch hầu) em Xuân quận công Nguyễn Nghiễm (tiến sĩ đệ nhị giáp – Hoàng Giáp). Tuổi trẻ vào trường thi hương, đỗ tú tài. Nhờ có quận công nên được làm quan võ cai quản đội quân kinh hữu, tước Đông lĩnh hầu, trấn ngự vùng Sơn Tây. Trong các tài liệu này phần cuối đời không thấy ghi gì về phần mộ, nhà thờ, con cháu, rất phù hợp với thủy tổ ta cuối đời mai danh ẩn tích.

Qua đó, hai tác giả cho là thủy tổ họ Nguyễn Duy, Sơn Tiến, Hương Sơn, Hà Tĩnh là:
NGUYỄN SỸ
– Con trai thứ 5 của Nhuận Trạch hầu Nguyễn Quỳnh
– Em ruột của tiến sĩ Tiên lĩnh hầu, tri huyện Nguyễn Huệ
– Em ruột tiến sĩ Xuân quận công, Đại tư đổ tề tướng Nguyễn Nghiễm
– Chú ruột của đại thi hào Nguyễn Du
– Đỗ tú tài, hương khoa
– Tước Đông lĩnh hầu
– Chức: Tổng binh sứ (hoặc chỉ huy sứ, chánh tam phẩm võ giai) quản thị đội quân kinh hữu thuộc triều đại Lê Cảnh Hưng
– Năm sinh 1725
– Mất ngày 14 tháng 7 (Âm lịch năm…) tại Sơn Tiến – Hương Sơn – Hà Tĩnh.
Cụ bà là người họ Phan…..mất ngày 16 tháng 12 âm lịch năm ….)
Mộ của hai cụ táng ở xứ Đồng Hung dưới chân rú Vạc
Con của hai cụ là Nguyễn Văn Giao sinh được một người con trai là Nguyễn Văn Nhạ
Nguyễn Văn Nhạ là đời thứ ba có hai người vợ: Bà chính thất sinh hai con trai là: Văn Quán và Trọng Khoan
Bà kế thất có 4 người con trai là các cụ: Thiết, Huân, Lương, Quế.
Trọng Khoan không có con trai nối dõi.
Cụ Văn Quán sinh được hai người con trai là Văn Hóa và Văn Thuận. Hai chi này có con đông hơn bốn con trai bà kế thất. Trong đó Văn Thuận có 5 người con trai đông hơn cả (xin bà con xem sơ đồ các chi và các nhánh)
Tuy nhiên luận cứ này còn có người cho là chưa được chuẩn xác, cần tiếp tục nghiên cứu làm sáng tỏ. Vì vậy cho đến nay các cháu lại tiếp nhận theo gia phả cũ để lại.
Năm 1780 khi dời đến Dương Định, gia đình khai phá sinh cơ lập nghiệp làm ruộng vườn. Từ đó phát triển dần các đời từ 2 đến 5 đều làm nghề nông. Đời thứ sáu trở đi cho đến trước cách mạng tháng 8/1945 mới có một số người học hành thi cử theo hán học rồi tây học.
Thời hán học: Cụ Nguyễn Duy Tân (đời thứ 6) đỗ cử nhân lúc 22 tuổi được xếp hạng thứ nhất trong 4 hổ về giới cử nhân huyện Hương Sơn: “Tân, Hiến, Hiền, Tài” cụ được bổ nhiệm Hậu Lộc, Thanh Hóa). Cụ sống rất thanh đạm, liêm chính, lấy đức mà cảm hóa dân chúng. Khi hai thân (cha, mẹ) đã ngoài tuổi 70, cụ xin cáo quan về nhà để phụng dưỡng cha mẹ. Hai lần được mời trở lại làm tri huyện cụ đều từ chối.
Khi Pháp chiếm Thuận Hóa, vua Hàm Nghi chạy ra Bắc, xuống chiếu dụ Văn thân cần vương, cụ Duy Tân ra ứng nghĩa. Lúc này cụ đã cao tuổi nên Văn thân giao cho cụ giữ Truông xá (Thiên Nhẫn) phòng khi có giặc thì báo cho nghĩa quân.
Đời thứ 7 có cụ Nguyễn Duy Dư đỗ tú tài lúc 21 tuổi, đứng đầu tứ hổ giới tú tài huyện Hương Sơn “Dư, Liêu, Chấn, Trác”.
Trong phong trào Đông Du, cụ đã tham gia vận động học sinh xuất dương và góp tiền cho hội.
Cùng đời thứ 7 còn có cụ Nguyễn Duy Phiên cũng theo đòi Nho học, thi hương được vào tam trường lúc 24 tuổi.

Thời Tây học: (thuộc Pháp):
Trước cách mạng tháng 8/1945, họ ta có 14 người: 5 người đỗ tiểu học, 3 cao đẳng tiểu học, 6 cao đẳng trung học. Trong số đó có 8 người làm nghề dạy học lúc bấy giờ và tiếp mãi về sau.

Khi cách mạng tháng 8/1945 mới thành công, xã Sơn Tiến thành lập trường tiểu học có 4 ông: Nguyễn Duy Thái, Nguyễn Duy Soa, Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Phạm Dịnh tự nguyện tham gia dạy học không hưởng một khoản phụ cấp, thù lao nào. Ông Nguyễn Duy Thái là hiệu trưởng đầu tiên của Trường Tiểu học xã nhà.

Từ sau Cách mạng tháng 8/1945 đến cuối năm 2006

Cùng với dòng họ khác sống trên đất Sơn Tiến họ Nguyễn Duy vẫn tiếp tục làm ruộng nhưng với hoàn cảnh điều kiện mới thuận lợi nên ngày càng nhiều người học hành, tham gia hoạt động trên các lĩnh vực, các ngành, nhiều nhất là ngành giáo dục.
Theo số liệu thống kê (có thể chưa đầy đủ) đến năm 2006:
– Tổng số người công tác trong ngành giáo dục 38 (nữ chiếm 25/38). Phần lớn làm giáo viên dạy từ tiểu học đến phổ thông trung học, chỉ có vài người dạy đại học.
– Tổng số người hoạt động ở các ngành nghề khác: 61 (nam: 36, nữ: 25): Kỹ thuật, giao thông vận tải, xây dựng, kinh tế, lao động, tài chính, kế toán ngân hàng, với trình độ học vấn từ trung cấp đến đại học trong đó có 4 người là Tiến sĩ:
– Nguyễn Văn Cẩn: Tiến sĩ hóa học
– Nguyễn Đình Tài: Phó Giáo sư, tiến sĩ toán
– Nguyễn Minh Châu: Tiến sĩ…
– Nguyễn Duy Lương: Tiến sĩ Thương mại
Hầu hết các thành viên trên đều làm trong cơ quan Nhà nước, các ngành.Có 3 người giữ chức vụ cao nhất là vụ trưởng.
– Ông Nguyễn Đình Tấn nguyên vụ trưởng Tổng hợp Bộ Lao động thương binh xã hội, khi nghỉ hưu là cố vấn Bộ trưởng (đã mất năm 1998).
– Ông Nguyễn Đình Tài hiện (2007) là vụ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư.
– Ông Nguyễn Tư Nguyên hiện (2007) là Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ ủy ban chứng khoán Nhà nước.
(Xem bản phụ lục chi tiết về trình độ học vấn và chức vụ công tác).

Tham gia quân đội
Sau cách mạng tháng 8/1945 khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, họ ta có những con em đang tuổi học sinh đã tình nguyện lên đường vào bộ đội chiến đấu như các ông: Nguyễn Văn Cẩn, Nguyễn Duy Trân, Nguyễn Duy Bồng, Nguyễn Duy Nam, Nguyễn Duy Bích, Nguyễn Duy San. Trong đó có 2 người là ông Cẩn, ông Bồng được chuyển ngành còn ông Nguyễn Duy Trân, Nguyễn Duy Nam, Nguyễn Duy San ở lại phục vụ quân đội đến khi về nghỉ hưu. Ông Trân quân hàm đại tá, ông Nam và ông San cấp thiếu tá.
Riêng ông Nguyễn Duy Bích là liệt sỹ hy sinh trong trận chiến đấu tại đồn Him Lam mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ.
Đến cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, họ ta lại tiếp tục có những con em ra tiền tuyến. Có hai chiến sĩ đã hy sinh: Nguyễn Quốc Ân và Nguyễn Duy Thụy.
Nguyễn Duy Thụy thuộc đơn vị D1 E95E9 bộ đội chủ lực miền Đông liệt sĩ hy sinh trong trận chiến đấu ác liệt đánh căn cứ LZ, F325 bộ binh Mỹ.
Số sĩ quan sau này đã nghỉ hưu.
– Nguyễn Đình Diệu nguyên đại tá phó chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự Hà Tĩnh.
– Nguyễn Đình Tú đại úy (chuyển công tác)
– Nguyễn Trường Long thượng tá (nghỉ hưu năm 2008)
– Nguyễn Thị Ngọc Hoa thượng tá (nghỉ hưu năm 2007)
– Nguyễn Duy Giáp thiếu tá (nghỉ hưu năm 2008)
Sau giải phóng miền Nam (30/4/1975) đến nay những con em chúng ta đến tuổi lại lần lượt đi làm nghĩa vụ quân sự. Có một số được đào tạo thành sĩ quan đang tại chức như: Nguyễn Quyết Thắng, Nguyễn Xuân Thiều, Nguyến Tiến Giang, Nguyễn Đình Hồng, Nguyễn Đình Đề…

Về tôn giáo:
Phần lớn họ Nguyễn theo tín ngưỡng dân gian, thờ tổ tiên (gọi là lương). Một bộ phận theo đạo Thiên chúa mà phần nhiều là con cháu chi cụ Văn Hóa ở làng Lễ Định (Quyết Tiến). Hiện nay có một số gia đình đang sinh sống làm ăn ở Thành phố Hồ Chí Minh, Nha Trang và ở Hoa Kỳ theo đạo Thiên chúa.